Tóm
tắt
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Việt
Nam lên tới 120% so với mức trung bình 45% của khu vực[1] -
con số được công bố trong hội thảo do báo Nhịp cầu đầu tư tổ chức ngày
16/8/2012. Và, phần lớn trong nợ phải trả đó đều là nợ vay ngắn hạn từ ngân
hàng. Chính vì vậy, sự diễn biến thất thường của lãi suất trong nền kinh tế vĩ
mô sẽ đưa doanh nghiệp đến rủi ro tín dụng rất cao. Thực tế đã xảy ra, khi mà
lãi suất cho vay ngắn hạn được dâng lến trên 20%/năm, duy trì hết năm 2011 và
sang các tháng đầu 2012, đã kéo theo sự phá sản, ngừng hoạt động của rất nhiều
doanh nghiệp. Đến 18/8/2012, với sự đồng thuận của những ngân hàng thương mại,
hơn 75%[2]
các khoản vay cũ được đưa về mức dưới 15%/năm. Và đầu năm 2013, trần lãi suất
huy động của NHTM đã được đưa về 8%/năm, đến đầu trung tuần tháng 5 trần lãi suất
giảm thêm 0.5%, đưa trần lãi suất huy động về 7.5%/năm. Đấy tín hiệu được mọi doanh nghiệp (đặc biệt
là DN vừa và nhỏ) hân hoan đón mừng, nhưng niềm vui lại chưa trọn vẹn khi mà
tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết tháng 7/2012 chỉ dừng ở mức hơn 1%,
đến 12/2012 là khoảng 7%[3]
(trong đó, NHNN chấp nhận đưa giá trị đầu tư trái phiếu vào tăng trưởng tín dụng
của một NHTM, vậy giá trị tăng trưởng tín dụng thực tế từ cho vay khách hàng sẽ
chẳng còn bao nhiêu...). Đến hết tháng 5.2013, tăng trưởng tín dụng VND chỉ ở mức
4.57% (theo tin từ vụ Chính sách tiền tệ). Vậy lãi suất cho vay là lực cản
chính trong “hành trình” tiếp cận vốn của doanh nghiệp hay bên trong còn có những
vấn đề khác cần mổ xẻ và phân tích. Hiện tại, lãi suất cho vay đã xuống thấp
nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN vừa và nhỏ hầu như không đáng kể. Trong phạm
vi bài viết, tác giả cho rằng lãi suất chỉ là một biến độc lập cùng với những
biến độc lập khác cấu thành và ảnh hưởng lên những khó khăn trong tiếp cận vốn
vay từ ngân hàng của doanh nghiệp. Để từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm
cải thiện khẳ năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và nâng cao năng lực hoạt động
quản trị tài chính để sử dụng nguồn vốn ngân hàng đạt hiệu quả cao nhất.
Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam đã ban hành công văn số
958/NHNN-CSTT yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo những vấn đề tiếp
cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp. Theo công văn trên, các NHTM phải đánh
giá và báo cáo khả năng tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn tín dụng ngân hàng của
các doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách từ cả
hai phía NHTM và doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các NHTM đề xuất những giải
pháp để cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn tín dụng ngân hàng của
các doanh nghiệp trong thời gian tới. Đó là động thái tập hợp dữ liệu để đưa ra
những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng trong thời gian
sắp tới. Quyết sách này cần giải quyết hài hòa giữa lợi ích ngân hàng, lợi ích
doanh nghiệp và tính cân đối của kinh tế vĩ mô.
Năm 2011 nhiều biến động đã trôi qua, một năm để nền
kinh tế Việt Nam nhìn nhận những khuyết điểm và hoạch định các chiến lược tăng
trưởng mới phù hợp hơn với xu thế thời đại. Nội tại nền kinh tế yếu kém cộng hưởng
với những diễn biến xấu của kinh tế thế giới đã làm suy kiệt năng lực sản xuất
của nhiều doanh nghiệp trong nước. Sản xuất trì trệ dưới bối cảnh lạm phát tăng
cao (lạm phát 2011 là 18.13%, GDP ) đã dẫn nền kinh tế rơi vào nguy cơ lạm phát
đình đốn (lạm phát vẫn cao mà trong khi đó sản xuất hàng hóa lại kiệt quệ - điều
này nguy hiểm hơn việc hy sinh mục tiêu tăng trưởng hay kiềm chế lạm phát).
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 31/12/2011, có hơn 79.000
trên tổng số 622.977 doanh nghiệp đã ngừng, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể,
phá sản, đóng cửa[4].
Đến tháng 12/ 2012, số doanh nghiệp tiếp tục ngừng hoạt động gia tăng 5.4% so
cùng kỳ năm ngoái, dừng ở mốc hơn 55.000 doanh nghiệp[5]; nhưng
con số thực tế, dường như phản ánh gấp 2 lần con số báo cáo, mặc dù Nghị quyết
11 đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (gồm 6 giải pháp đồng bộ giúp ổn định kinh tế
vĩ mô, tập trung kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội; trong đó có thúc
đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu…) nhưng tình hình sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp đang có chiều hướng xấu đi.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự trì trệ trong sản xuất
kinh doanh là hệ quả của hàng loạt những bất cập trong chính sách vĩ mô (chính
sách tài khóa và chính sách tiền tệ quá “dễ giải”), cộng với sự suy thoái chung
của nền kinh tế thế giới (khủng hoảng nợ công Châu Âu rơi vào bế tắc, kinh tế
đình đốn, thất nghiệp gia tăng; kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu ớt sau cuộc khủng hoảng
nợ vay dưới chuẩn năm 2008-2009 với một tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao lên đến
9.2% đến tháng 6/2011 [6]…)
và chính nội tại mỗi doanh nghiệp về khả năng quản trị doanh nghiệp, quản trị
tài chính, sách lược phát triển thị trường cũng như cơ chế sử dụng nhân tài. Vậy,
nếu kết luận, doanh nghiệp khó khăn, đình đốn và trì trệ dựa trên một biến độc
lập để phân tích thì rất phiếm diện, thiếu khách quan; ở đây, phải là tổng hợp
của nhiều biến độc lập khác nhau từ môi trường kinh tế vĩ mô đến nội tại của
chính doanh nghiệp đó - và lãi suất chỉ là một biến độc lập.
Lãi suất tăng cao trong thời gian dài đã làm gánh nặng
chi phí ngày càng đổ dồn về phía doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp sử dụng
đòn cân nợ cao. Lãi suất tăng cao không phải là tội đồ mà chỉ là biểu hiện bên
ngoài của những khó khăn kinh tế vĩ mô nói chung và hệ thống ngân hàng nói
riêng. Trong khuôn khổ bài viết, nhóm tác giả không đi mô xẻ, phân tích những
tác động của lãi suất đến doanh nghiệp, mà đưa ra những giải pháp để doanh nghiệp
tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng một cách dễ dàng, khoa học và có tính
toán.
Làm
thế nào để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn ngân hàng hiệu quả nhất,
đồng thời hạn chế được những rủi ro mà chính nguồn vốn này đem lại?
Chẳng ai phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn vốn
tín dụng ngân hàng trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp. Có thể
điểm qua một số lợi ích như sau : thứ nhất, vay vốn ngân hàng giúp doanh nghiệp
khởi sự hoạt động kinh doanh, tìm kiếm các thị trường sản phẩm mới, các dự án
sinh lợi; thứ hai, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao năng lực
cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh[7];
thứ ba, gia tăng suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dựa trên sử dụng hiệu
quả đòn cân nợ (đòn bẩy tài chính); thứ tư, tìm kiếm nguồn vốn linh hoạt để tài
trợ cho tài sản lưu động của doanh nghiệp…Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ là con
dao hai lưỡi khi mà doanh nghiệp sử dụng đòn cân nợ cao, hoặc sử dụng vốn tín dụng
ngân hàng không đúng mục đích, hoặc mất cân đối cơ cấu tài chính (nguồn vốn ngắn
hạn tài trợ cho tài sản dài hạn)…kết hợp với tình hình kinh tế vĩ mô suy thoái.
Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vốn ngân hàng hiệu
quả nhất, đồng thời hạn chế được những rủi ro mà chính nguồn vốn này đem lại.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải nắm rõ
diễn biến kinh tế vĩ mô. Việt nam không thể tránh được
vòng xoáy của khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như những bất cập về kinh tế
vĩ mô trong nước hiện tại. Mọi dự đoán kinh tế cho năm 2012 vẫn khá bi quan về
triển vọng tăng trưởng và hồi phục kinh tế, mặc dù năm này là bản lề của quá
trình tái cơ cấu ba trụ cột quan trọng – tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu
doanh nghiệp doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu thị
trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng. Các tia sáng hy vọng sự đổi
mới kinh tế được đặt lên vai những năm sau đó. Vậy, con đường kinh doanh ngắn hạn
của doanh nghiệp phải đối mặt rất nhiều khó khắn, nên muốn “cứu” doanh nghiêp
thì cần phải ổn định nền kinh tế vĩ mô[8]. Ổn
định kinh tế vĩ mô phải dựa vào nhiều chính sách ban hành để ứng phó, nhiệm vụ
của doanh nghiệp phải nắm nhanh và rõ những quyết sách này nhằm phản ứng kịp thời
trong những quyết định quản trị liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như ngày 13/02/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị số 01 về tổ chức thực
hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm
2012; trong đó, trọng tâm vẫn là điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng
và linh hoạt, đảm bảo khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng. kiểm soát
tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (14-16%) và tín dụng (15-17%), giảm mặt
bằng lãi suất ở mức hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô, quản lý thị trường ngoại
hối – tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đồng thời chuyển dịch cơ cấu
tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ
sử dụng nhiều lao động…[9]Dựa
trên những định hướng trên, doanh nghiệp có thể tìm thấy được cơ hội kinh
doanh, chu chuyển của dòng vốn tín dụng ngân hàng, mở rộng sản xuất kinh doanh
ngành nào, thu hẹp ngành nào, hoặc dự đoán diễn biến của ngoại hối để có quyết
sách phòng hộ rủi ro tỷ giá khi giao dịch mua bán…
Thứ hai, doanh nghiệp cần hiểu,
đánh giá và bám sát sự phát triển của thị trường tài chính.
Trong thị trường tài chính bao gồm nhiều loại thị trường khác nhau, cơ bản nhất
là sự phân chia thành thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Một doanh nghiệp –
là chủ thể kinh tế có thể thiếu hoặc thừa vốn, chính thị trường tài chính giúp
dòng vốn được lưu thông dễ dàng từ nơi thừa sang thiếu với sự hiệu quả của năng
suất lao động. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn tín dụng tại các ngân
hàng, nhưng cũng có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua phát hành cổ
phiếu hoặc trái phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán chỉ mới đảm nhận gần
7%[10] tổng nguồn vốn huy động trong nền kinh tế, và dường
như nhiều doanh nghiệp đang bỏ sót một kênh huy động vốn tiềm năng này với chi
phí sử dụng vốn hợp lý (tất nhiên kênh huy động nào cũng có ưu nhược điểm), đa
dạng hóa nguồn vốn tài trợ cho tài sản doanh nghiệp. Việc lựa chọn kênh huy động
vốn, doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng với những kịch bản chi phí sử dụng vốn
tối ưu nhất.
Thứ ba, chú trọng quản trị tài
chính doanh nghiệp. Quản trị tài chính liên quan đến việc
đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu kinh
doanh đề ra. Điều này dẫn đến ba quyết định quan trọng như quyết định đầu tư –
liên quan đến hoạt động hình thành tổng tài sản, tài sản bộ phận và mối quan hệ
cân đối giữa các bộ phận tài sản doanh nghiệp; quyết định tài trợ - liên quan đến
hoạt động lựa chọn loại nguồn vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay, chiếm dụng vốn của
người bán…) cho việc mua sắm, đầu tư tài sản doanh nghiệp; quyết định quản lý
tài sản - một khi tài sản đã được hình
thành thì vấn đề quan trọng là quản lý để sử dụng tài sản đó hiệu quả và hữu
ích. Ba quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tài chính lành mạnh và lưu chuyển
tiền tệ trong kỳ cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một cơ cấu tài
chính lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua những cú sốc tài chính từ môi trường
kinh tế - tài chính vĩ mô. Trong cơ cấu tài chính này, doanh nghiệp cần xác lập
những chỉ số tài chính phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc thù
ngành nghề, bộ chỉ số sẽ là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp nhận diện những rủi
ro tiềm ẩn trong hoạt động tài chính; đặc biệt chú trọng hơn về đòn bẩy tài
chính (đòn cân nợ, tổng nợ/tổng nguồn vốn) và mối quan hệ với ROE - tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, trong bối
cảnh lãi suất tăng cao ngất ngưỡng thì nợ vay bỗng chốc trở thành gánh nặng chi
phí khủng khiếp và phá vỡ những cân bằng mong manh trong tài chính doanh nghiệp.
Theo thống kê, hiện có hơn 85 doanh nghiệp niêm yết[11]
đang có nợ vay ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn như các mã DDM, BAS, VSG, SSG,
PDC…
Thứ tư, hiểu rõ mục đích sử dụng vốn
vay và quy trình tín dụng của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận
lợi hơn. Trong chu kỳ kinh doanh, với nhiều lý
do khác nhau sẽ dẫn đến nhu cầu mở rộng nguồn vốn tài trợ để đáp ứng sự tăng
trưởng của tài sản và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ví dụ như, “bán hàng quá
nhiều” – được dùng để chỉ tình trạng không có đủ nguồn lực trong bảng cân đối kế
toán để phục vụ nhu cầu hiện thời của doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát triển
quá nhanh, làm tài sản lưu động phải phình to trong khi vòng quay tài sản lưu động
không đổi và không đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của doanh nghiệp
thì kết quả tất yếu là tìm kiếm nguồn tài trợ vốn lưu động từ các nguồn ngắn hạn
như vốn vay hạn mức tại ngân hàng, vốn chiếm dụng…Vậy, trước khi tìm đến ngân
hàng để tiến hành vay vốn, doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích vay vốn, số tiền
cần vay và khả năng hoàn trả nợ vay, tất nhiên doanh nghiệp cần xác định mức tối
đa của đòn cân nợ để tránh sa lầy và phụ thuộc nợ vay ngân hàng. Các mục đích
như sau :
-
Tăng
trưởng bán hàng nhanh (bán hàng quá nhiều) : tạo ra khả
năng thu được lợi nhuận cao hơn nhưng đòi hỏi bổ sung tiền mặt để tài trợ cho
khối lượng kinh doanh lớn hơn của doanh nghiệp. Lúc này hàng tồn kho và phải
thu khách hàng cũng tăng theo. Vì vậy, trường hợp này, doanh nghiệp cần dự đoán
về tốc độ tăng trưởng bán hàng và mức tăng trưởng của tài sản lưu động nhằm tìm
kiếm nguồn vốn vay từ hạn mức tín dụng của ngân hàng. Lúc này, ngân hàng sẽ cấp
một hạn mức tín dụng với số tiền hứa giải ngân tương đương phần thiếu hụt vốn
lưu động trong chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp (tất nhiên phần thiếu hụt vốn
lưu động trên được xác định sau khi đã trừ đi phần tài trợ từ vốn chủ sở hữu, vốn
chiếm dụng người bán và các nguồn vốn khác).
-
Vòng
quay hàng tồn kho chậm lại : số vòng quay hàng tồn kho trong một năm càng nhỏ thì số ngày
lưu giữ hàng tồn kho trong kho càng lớn. Nguyên nhân gây ra tình trạng vòng
quay hàng tồn kho chậm lại (1) Mua hàng tồn kho với giá ưu đãi trước khi thực sự
có nhu cầu sử dụng, (2) Các hạng mục tồn kho không bán được. Lúc đó, doanh nghiệp
nên tiếp cận vốn vay ngân hàng theo phương thức từng lần – là cho vay trên cơ sở
nhu cầu của từng phương án cụ thể trong tổng nhu cầu tài sản lưu động của doanh
nghiệp.
-
Phải
thu khách hàng kéo dài : thời gian thu nợ là khoảng thời
gian thực sự trôi qua kể từ khi gởi hóa đơn thanh toán đến khi nhận được khoản
thanh toán. Do thời gian thu nợ kéo dài, cần nhiều tiền mặt hơn để tài trợ cho
hoạt động doanh nghiệp cho đến khi các khoản phải thu chuyển được thành tiền mặt.
Điều này thường tạo nên nhu cầu đi vay, doanh nghiệp có thể vay theo phương thức
từng lần hoặc thông qua nghiệp vụ bao thanh toán (với nghiệp vụ bao thanh toán,
ngân hàng sẽ mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu theo hợp đồng
mua bán hàng hóa, dịch vụ - trích luật tổ chức tín dụng 2010).
-
Các
tài sản cố định – thay thế hay mở rộng : phần lớn các doanh
nghiệp không có lượng tiền mặt lớn để thanh toán cho việc thay thế các tài sản
cố định hoặc mua thêm các tài sản cố định bổ sung. Thay vào đó, họ đề nghị ngân
hàng cung cấp các khoản vay cho mục đích này, hoặc vay trung dài hạn hoặc thuê
mua tài chính.
-
Lý
do đi vay khác : các chi phí ngoài dự tính hay mang
tính bất thường.
Doanh nghiệp Việt Nam thường ngộ nhận về vay vốn
ngân hàng, họ cho rằng chỉ cần có tài sản đảm bảo và ngân hàng cho vay dựa trên
tỷ lệ phần trăm của tài sản đảm bảo. Xu hướng sau này, ngân hàng chỉ cho vay dựa
trên nhu cầu vốn xác thực với đầy đủ hồ sơ chứng minh : năng lực pháp lý, năng
lực tài chính, phương án kinh doanh hiệu quả, lịch sử giao dịch tín dụng và cuối
cùng là hồ sơ về tài sản đảm bảo. Do đó, để tiếp cận vốn nhanh chóng, doanh
nghiệp cần thu thập toàn bộ hồ sơ chứng minh trên tới thời điểm gần nhất với một
nhu cầu vốn xác thực và một phương án trả nợ khả thi. Phần việc còn lại thuộc về
Ngân hàng trong hoạt động phân tích và quyết định tín dụng. Vậy một doanh nghiệp
có nhu cầu vốn xác thực, sử dụng vốn đúng mục đích và đầy đủ hồ sơ chứng minh
năng lực thì không lý do gì ngân hàng từ chối khoản vay này.
Nâng
cao nhận thức về vai trò của kiếm soát tài chính trong quá trình sử dụng các
nguồn vốn vay.
Thứ năm, doanh nghiệp cần kiểm soát
tốt nguồn vốn vay trong quá trình triển khai dự án. Theo khoa học quản
trị, doanh nghiệp thường có hai tầng kiểm soát, kiểm soát của chủ sở hữu đối với
người quản lý công ty và kiểm soát của người quản lý công ty đối với toàn bộ hoạt
động trong phạm vi mình quản lý. Trong tầng kiểm soát thứ 2, bộ phận kiểm toán
nội bộ thực hiện kiểm soát 3 hoạt động sau : kiểm soát tuân thủ, kiểm soát tài
chính và kiểm soát hoạt động. [12].
Không xem nhẹ bất cứ hoạt động kiểm soát nào, nhưng cần chú trọng hơn nữa trong
kiểm soát tài chính. Các doanh nghiệp phá sản và trì trệ sản xuất gần đây như
Cty CP Dược Viễn Đông, Cty CP Thủy sản Bình An…đều có những mất cân đối trầm trọng
trong tài chính (nguồn vốn ngắn hạn tài trợ rất nhiều trong tài sản dài hạn,
đòn bẩy tài chính cao hơn mức trung bình ngành, đa số nợ vay ngắn hạn từ ngân
hàng) và sử dụng vốn vay sai mục đích (vốn vay không đầu tư vào sản xuất kinh
doanh như phương án đã trình cho ngân hàng). Nhiều công ty mặc dù sử dụng vốn
đúng mục đích nhưng quá trình kiểm soát giải ngân và sử dụng vốn bừa bài gây
lãng phí không đáng có, các nhà quản lý thiếu đi tính toán về những điểm rơi về
nhu cầu vốn thực sự của công ty. Kiểm soát tốt nguồn vốn vay sẽ giúp tiết kiệm
chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh (hiệu quả dự án), do đó, đòi hỏi
nhà quản lý cần nâng cao nhận thức về kiểm soát tài chính, vay được là một chuyện,
nhưng sử dụng hiệu quả, đúng lúc,đúng mục đích, đúng đối tượng lại là chuyện
khác.
Năm 2013, tiếp tục là năm khó khăn cho doanh nghiệp
khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, bởi lãi suất sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo
chính sách tiền tệ. Trần lãi suất huy động
dừng ở mức 7.5%, lãi suất cho vay được “cổ súy” không quá 12%. Mức lãi suất có
giảm những vẫn còn cao, nhưng khôn ngoan hơn cả là doanh nghiệp nên tìm cách sống
chung với nó, theo quy luật, lãi suất cao rồi cũng sẽ hạ, nền kinh tế suy rồi sẽ
thịnh, và không có gì mà mãi mãi cả. Nên thời gian này, doanh nghiệp nên rà
soát và tái cơ cấu lại chiến lược kinh doanh, quản trị - điều hành, quản trị
tài chính, chính sách nhân sự…, đặc biệt, cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vai
trò của nguồn vốn vay ngân hàng với nguồn lực tài chính nội tại của doanh nghiệp
(nhất là khi sử dụng đòn cân nợ), để huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả, từ
đó mới tạo thành đòn bẩy tăng trưởng tỷ suất lợi suất lợi nhuận trên vốn chủ sở
hữu (ROE). Trong các năm năm tiếp tới, ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh huy động
vốn chủ yếu của những doanh nghiệp Việt Nam, vì thế doanh nghiệp cần chủ động
hơn nữa về cách tiếp cận vốn ngân hàng và nâng cao năng lực quản trị tài chính,
sao cho sử dụng vốn hiệu quả và hữu ích nhất.
Châu Đình Linh
Tài liệu tham khảo:
-
Bộ
Kế hoạch và Đầu tư. Và VCCI
-
Trần Quang Tuyến (2008) – Tín dụng ngân
hàng cho khu vực kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển
-
Nhận định của các chuyên gia kinh tế
trong hội thảo “nhận diện kinh tế VN năm 2011 – Kịch bản năm 2012. Các giải
pháp ngắn hạn và trung hạn cho doanh nghiệp” – 27/11/2011
-
Trích chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày
13/02/2012
-
http://giamdocdieuhanh.org/kiem-tra-va-danh-gia/Kiem-soat-la-lam-het-minh-va-khong-lam-bay.html913
[1]http://baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/334bcdd47f000001010067b5ae5305f8
[2]
http://vneconomy.vn/20120817081816242P0C6/con-khoang-640000-ty-dong-chiu-lai-suat-tren-15.htm
[3]
http://vneconomy.vn/2012122703142938P0C6/tang-truong-tin-dung-2012-lap-ky-luc-moi.htm
[4]
Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Và VCCI
[5]http://dantri.com.vn/kinh-doanh/khoang-55000-doanh-nghiep-giai-the-nam-2012-672972.htm
[7] Trần Quang Tuyến (2008) – Tín dụng
ngân hàng cho khu vực kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển.
[8] Nhận định của các chuyên gia
kinh tế trong hội thảo “nhận diện kinh tế VN năm 2011 – Kịch bản năm 2012. Các
giải pháp ngắn hạn và trung hạn cho doanh nghiệp” – 27/11/2011.
[10]http://baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/eb923e917f00000101c17dc1679fc30c
[12]
http://giamdocdieuhanh.org/kiem-tra-va-danh-gia/Kiem-soat-la-lam-het-minh-va-khong-lam-bay.html913
No comments:
Post a Comment