Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang dần
hoàn thiện hệ thống xếp hạng khách hàngnội bộ để đánh giá, quản lý các mức rủi
ro của từng khách hàng vay vốn. Hệ thống này không chỉ là công cụ hiệu quả
trong công tác thẩm định, đánh giá mức độ rủi ro và ra quyết định cho từng món
vay từ đó nâng cao chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng phù hợp mà còn còn
rất hữu ích trong phán xét lãi suất cho vay tùy vào đối tượng khách hàng, tương
ứng với mỗi hạng tín dụng từ hệ thống sẽ có mức lãi suất cho vay khác nhau. Tuy
nhiên, cách áp đặt lãi suất cho vay trên làm ngân hàng trở nên kém cạnh tranh
và chưa triệt để rủi ro; ví dụ hai khách hàng cùng hạng tín dụng nhưng có loại
tài sản khác nhau hoặc có cơ cấu tài sản đảm bảo khác nhau thì lãi suất vẫn như
nhau? Bài viết sẽ giới thiệu sơ lược cách thức định giá khoản vay thông qua hệ
thống xếp hạng khách hàng nội bộ và chỉ ra nhược điểm lẫn hướng khắc phục của
cách thức này trong hạn chế tối đa các rủi ro.
Đặt vấn đề
Trong những năm
qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đổi mới một cách căn bản về mô hình tổ chức,
mô hình hoạt động, cơ chế điều hành, nghiệp vụ, nguồn nhân lực và tư duy về quản
trị rủi ro. Chính sự đổi mới đó đã đóng góp một phần không nhỏ cho quá trình
tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Không những vậy, tư duy tổ chức hoạt động
của hệ thống ngân hàng ngày một mới với các mô hình kinh doanh không quá phụ
thuộc vào kênh tín dụng đã làm các ngân hàng trở thành một siêu thị tài chính
(mô hình ngân hàng bán lẻ) cung cấp rất nhiều sản phẩm – dịch vụ mà khách hàng
rất hài lòng. Sự chuyển đổi mô hình kinh doanh đã làm cơ cấu lợi nhuận của ngân
hàng ít còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng – đây sẽ là xu hướng cho sự tăng
trưởng bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, thời
điểm này, các ngân hàng vẫn còn phụ thuộc vào kênh tín dụng như hoạt động thu lợi
nhuận chính và kèm theo là sự đối diện với rất nhiều rủi ro như rủi ro tín dụng,
rủi ro kỳ hạn, rủi ro lãi suất, rủi ro luật pháp (phụ thuộc hoàn toàn vào các
chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước)… Chính lẽ đó, biện pháp hạn chế và
bù đắp rủi ro được các ngân hàng rốt ráo thực hiện từ sự thay đổi quy trình cấp
tín dụng, kiểm soát hệ thống quản trị tuân thủ, chuyên môn hóa và tách bạch các
bộ phận trong quy trình tín dụng, áp dụng hệ thống xếp hạng nội bộ… cho đến xây
dựng một mô hình bù đắp rủi ro hiệu quả thông qua hoạt động định giá các khoản
cho vay. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ tập trung giới thiệu mô hình bù
đắp rủi ro thông qua định giá các khoản cho vay dựa trên cơ sở đo lường các yếu
tố rủi ro (risk based pricing) và những lợi ích đem lại cho ngân hàng.
Một trong những
khâu quan trọng trong hoạt động cho vay đối với các tổ chức kinh tế - tài chính
cũng như đối với khách hàng cá nhân là định giá khoản cho vay. Các ngân hàng
luôn mong muốn nhận được lãi suất cao để trang trải chi phí huy động vốn, bù đắp
hoàn toàn rủi ro liên quan các khoản cho vay và có lãi. Tuy nhiên, lãi suất cần
phải đặt ở mức hợp lý so với mặt bằng lãi suất thị trường, cũng như để tạo dựng
lợi thế cạnh tranh so với ngân hàng đối thủ hay duy trì và ổn định mối quan hệ
với khách hàng vay vốn. Hơn nữa, với quá trình toàn cầu hóa, hoạt động ngân
hàng không chỉ gói ghém trong hệ thống ngân hàng nội địa mà ngày càng có nhiều
chủ thể ngân hàng 100% vốn nước ngoài tham gia, điều này làm sự cạnh tranh trở
nên gay gắt hơn và khả năng sinh lời của ngân hàng từ hoạt động cấp tín dụng sụt
giảm, lúc này ngân hàng chỉ có thể đóng vai trò là người chấp nhận giá mà dần bỏ
qua vai trò là người đặt giá. Chính vì vậy, định giá chính xác các khoản vay
ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngân hàng trong giai đoạn hiện
nay.